Ngày 23/2/2022, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên – Trưởng Ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc và kiểm tra thực tế tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu tại tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Quảng Ninh.
Đàm phán giải pháp thông quan đặc thù cho từng cửa khẩu
Sau Tết Nguyên Đán 2022 đến nay, Trung Quốc vẫn triển khai thực hiện nghiêm chính sách “zero-Covid”, kiểm soát nghiêm ngặt người và hàng hóa xuất nhập khẩu. Số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng trên cả nước tiếp tục diễn biến tăng cũng là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc cân nhắc trong việc mở lại các cửa khẩu, lối mở khi phát hiện các trường hợp người, phương tiện của Việt Nam xuất cảnh, xuất khẩu sang phía bạn.
Dù vậy, ghi nhận tại địa phương cho thấy, các tỉnh đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu.
Nổi bật trong đó, Lạng Sơn và Quảng Ninh đã duy trì cơ chế trao đổi thông tin hàng ngày qua đường dây nóng giữa các lực lượng chức năng của phía ta với chính quyền, cơ quan chức năng của phía bạn. Nhiều cuộc hội đàm trực tuyến cấp chính quyền địa phương đã được tổ chức nhằm thống nhất các giải pháp nâng cao năng lực thông quan hàng hoá qua các cửa khẩu.
Nhờ vậy, bước đầu hai bên đã cơ bản thống nhất triển khai thực hiện các phương thức mô hình thông quan mới theo hướng linh hoạt, phù hợp với đặc thù từng cửa khẩu và yêu cầu về công tác phòng chống dịch.
Đối với Lạng Sơn, bên cạnh trang bị thêm nhiều thiết bị camera thông minh để kiểm tra, giám sát và đẩy nhanh tốc độ thông quan bằng cách ứng dụng cửa khẩu số, tỉnh đã thống nhất với chính quyền Thị trấn Bằng Tường triển khai phương thức thông quan theo mô hình đội xe chuyên trách để hạn chế tiếp xúc từ ngày 22/2/2022.
Cụ thể, tại cửa khẩu Tân Thanh, lái xe chuyên trách Việt Nam điều khiển đầu kéo cố định kéo container hàng sang địa điểm chỉ định tại bến bãi phía Trung Quốc rồi thực hiện việc cắt container để lại bến bãi phía Trung Quốc. Đầu kéo phía Trung Quốc nối container và vận chuyển đi kiểm hoá, giao hàng sau đó kéo container rỗng về địa điểm ban đầu.
Đầu kéo Việt Nam sau khi cắt container sẽ kéo container hàng hoặc container rỗng về nước (quá trình lưu thông trên lãnh thổ Trung Quốc lái xe chuyên trách Việt Nam xe niêm phong buồng lái, đeo khẩu trang, mặc quẩn áo bảo hộ và đi theo tuyến đường cố định).
Dự kiến, mỗi lượt sẽ kéo 30-40 container hàng sang Trung Quốc; năng lực thông quan kỳ vọng sẽ đạt 200-300 xe/ngày.
Tại cửa khẩu Hữu Nghị, phương tiện chở hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ dừng đỗ tại khu vực bến bãi cố định gần đường biên giới (bến bãi này nằm trên lãnh thổ Việt Nam có hàng rào bao quanh cách ly khu vực bên ngoài, có hệ thống camera để hai Bên cùng giám sát), thực hiện cắt container, cẩu container để lại bãi chờ. Sau đó lái xe điều khiển đầu kéo rời khỏi bãi, các lực lượng chức năng sẽ ra khỏi bãi, y tế Việt Nam khử khuẩn làm sạch; chỉ công nhân vận hành cần cẩu ở lại, các công nhân này mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang và được niêm phong buồng lái.
Trung Quốc bố trí xe đầu kéo hoặc sơ mi rơ moóc Trung Quốc vào bãi để thực hiện cẩu, nối container. Sau khi hoàn thành lái xe chuyên trách Trung Quốc sẽ kéo xe hàng về phía Trung Quốc giao hàng. Sau khi hoàn thành việc giao hàng, lái xe chuyên trách Trung Quốc điều khiển phương tiện trả lại container rỗng tại địa điểm chỉ định bên phía Việt Nam.
Dự kiến, mỗi lượt sẽ kéo 30-40 container hàng sang Trung Quốc; năng lực thông quan kỳ vọng sẽ đạt 120-160 xe/ngày.
Đối với Quảng Ninh, từ ngày 20/2/2022, UBND thành phố Móng Cái và Chính quyền Thành phố Đông Hưng thống nhất rút ngắn thời gian xét nghiệm đối với lái xe trung chuyển theo định kỳ 48 giờ/lần.
Đồng thời, thí điểm tổ chức quản lý tập trung lái xe trung chuyển để đảm bảo nâng cao hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch, giữ vững vùng xanh an toàn trong khu vực cửa khẩu, lối mở trên địa bàn phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa.
Cụ thể, tổ chức địa điểm ăn, nghỉ tập trung đảm bảo quy trình khép kín, vệ sinh môi trường, an toàn và đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch bệnh cho lái xe trung chuyển trong khu vực cửa khẩu, lối mở. Mỗi đợt ăn, nghỉ tập trung là 15 ngày/đợt.
Tại cửa khẩu cầu Bắc Luân II, số lượng dự kiến từ 100-150 lái xe/đợt, tại lối mở Km3+4 Hải Yên dự kiến từ 50-100 lái xe/đợt.
Kết thúc thời gian thí điểm là 15 ngày, liên ngành khối cửa khẩu tại Móng Cái sẽ họp, đánh giá kết quả và xem xét việc tiếp tục hoặc thay đổi phương án tối ưu phù hợp với tình hình thực tế.
Theo báo cáo của địa phương, tính đến ngày 22/2/2022, tổng lượng xe hàng chờ xuất khẩu tại 3 khu vực cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn là Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là 1.940 xe; tổng lượng xe đang chờ thông quan qua các cửa khẩu, lối mở tỉnh Quảng Ninh là 1.479 xe.
Để góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu, lãnh đạo địa phương kiến nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường trao đổi, đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm ký kết Nghị định thư về việc giảm tỷ lệ kiểm tra kiểm dịch, xây dựng cơ chế để kiểm tra nhanh các chứng thư kiểm dịch động thực vật và thống nhất cơ chế giám sát an toàn thực phẩm đối với các lô hàng nông, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, qua đó giảm tần suất hậu kiểm lô hàng, do đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến năng lực thông quan chậm hiện nay.
Đã nỗ lực rồi, phải nỗ lực tiếp
Đánh giá cao nỗ lực của Lạng Sơn và Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ Công Thương ghi nhận, những ngày trước, trong và ngay sau Tết Nguyên đán, hoạt động thông quan đã có nhiều chuyển biến tích cực, hàng hóa lưu thông tốt hơn. Thành công lớn nhất là đã giao thiệp với Trung Quốc để giảm thời gian nghỉ Tết từ 28 ngày xuống còn 14 ngày, rồi 7 ngày, và cuối cùng thực tế phía bạn chỉ nghỉ thông quan trong 3 ngày Tết. Nhờ vậy, hàng hóa ùn tắc từ trước Tết đã được giải quyết căn bản và tổ chức thông quan lượng hàng mới lên ngay sau Tết.
Tuy nhiên, trong khoảng 2 tuần gần đây, tình trạng ùn tắc diễn biến trở lại do một số nguyên nhân như: nhu cầu nhập khẩu nông sản và hàng tươi sống của Trung Quốc tăng cao; trong khi dịch bệnh tiếp tục phức tạp; phía Trung Quốc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch để theo đuổi “zero-Covid”; nông sản Việt Nam dần tới vụ và hàng hóa tiếp tục được đưa lên cửa khẩu thường xuyên nhưng phát hiện một số vấn đề về chất lượng, quy cách và an toàn dịch bệnh;…
“Bất luận nguyên nhân là gì, theo đúng tinh thần của lãnh đạo cấp cao hai nước, phải bằng mọi cách phối hợp với bạn để thông quan tiếp tục, tình trạng ùn ứ ở các cửa khẩu phải được giải quyết để mang lại lợi ích cho cả hai bên, trước mắt là gỡ khó cho bà con nông dân và doanh nghiệp của ta”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, cho hay chỉ đạo của Thủ tướng là đã nỗ lực rồi, phải nỗ lực tiếp, để cùng các tỉnh biên giới, các địa phương và các Bộ đối tác, thậm chí tác động đến Chính phủ nước bạn để đẩy nhanh thông quan hàng hóa, tình trạng ùn tắc khu vực cửa khẩu được giải quyết càng sớm càng tốt.
Để thực hiện được chỉ đạo này, Bộ trưởng đề nghị các địa phương tập trung thực hiện 5 nhóm giải pháp:
Thứ nhất, đề nghị Lạng Sơn và Quảng Ninh kiên trì, thường xuyên giao thiệp với phía Trung Quốc ở các cấp độ; đề nghị các lực lượng chức năng ở khu vực cửa khẩu (biên phòng, hải quan, công an, giao thông,…) giao thiệp, đề nghị bạn tạo điều kiện thuận lợi nhất để giải tỏa ách tắc cửa khẩu, dựa trên 3 căn cứ chính:
(i) quan điểm chỉ đạo nhất quán cấp cao hai nước là phải thuận lợi hóa thương mại song phương nói chung và thương mại biên giới nói riêng để mang lại lợi ích hai bên, đạt được các mục tiêu chung, góp phần tiếp tục xây dựng mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt – Trung.
(ii) việc thông quan hàng hóa tốt sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên, khi Trung Quốc đang trong mùa đông, nhu cầu sử dụng rau củ quả, trái cây rất lớn, còn Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất nên nhu cầu vật tư, nguyên vật liệu nhập khẩu cũng nhiều.
(iii) Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, độ bao phủ vaccine cao; đặc biệt tại các vùng trồng, vùng nuôi, vùng sản xuất hàng hóa xuất khẩu hay chính tại các tỉnh biên giới, tỷ lệ tiêm đến mũi 3 đã ở mức 80-90%.
Thứ hai, tiếp tục thiết lập và mở rộng vùng an toàn dịch bệnh, dù phía Trung Quốc chưa đi đến thống nhất công nhận cách làm này nhưng đây vẫn là việc cần thiết để bản thân địa phương trong nước tự đảm bảo hàng hóa trước khi tập kết vào khu vực cửa khẩu đã an toàn về dịch bệnh. Xa hơn, áp dụng công nghệ hiện đại trong kiểm tra hàng hóa, kết nối trực tuyến để phía bạn có thể giám sát, theo dõi những nỗ lực khử khuẩn, làm sạch hàng hóa, phương tiện, người vận chuyển ở phía Việt Nam.
Thứ ba, tiếp tục làm tốt việc phân biệt hàng hóa theo tuyến, theo luồng; thông quan trên nguyên tắc ưu tiên hàng tươi sống để không xảy ra xung đột. Việc ứng dụng cửa khẩu số phải đi kèm với cơ chế chuyển tiếp phù hợp, hướng dẫn doanh nghiệp và thương nhân thực hiện nhanh chóng, hiệu quả. Tổ chức chiều nhập khẩu thuận lợi để thể hiện thiện chí đối với phía bạn Trung Quốc.
Thứ tư, tiếp tục giữ mối liên hệ thường xuyên, trực tiếp với các địa phương có vùng trồng, vùng nuôi, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp có hàng đưa lên biên giới. Triển khai linh hoạt, hiệu quả công tác tổ chức và kiểm soát thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bộ trưởng giao các đơn vị Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường trong nước, Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi và Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp kết nối, giữ liên hệ giữa các địa phương để có các thông tin, khuyến cáo thường xuyên và trực tiếp.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tiêu thụ, chiến biến trong nội địa.
Về lâu dài, khuyến cáo, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rốt ráo việc tổ chức lại sản xuất theo nhu cầu và tiêu chuẩn của thị trường. Ngay trong quý I/2022, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị với các địa phương để điều chỉnh lại quy hoạch, xác định lại kế hoạch, áp dụng lại các biện pháp canh tác, nuôi trồng mới để bảo đảm sản phẩm sản xuất ra đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường, “sản xuất gì phải biết được bán đi đâu, bán cho ai và giá thế nào”.
Lãnh đạo Bộ Công Thương đồng tình với các kiến nghị của địa phương và sẽ giao các đơn vị có liên quan phối hợp giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ. Đối với các vấn đề nằm ngoài thẩm quyền, Bộ sẽ kiến nghị với cấp cao hơn và phối hợp với các Bộ, ngành để tiếp tục đồng hành, gỡ khó.
Ngay trong chiều 23/2/2022, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã ký 3 công thư gửi Bí thư tỉnh Quảng Tây, Bộ trưởng Bộ Thương mại, và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị các cơ quan chức năng phía bạn phối hợp với các địa phương phía Việt Nam nghiên cứu, đưa ra phương án cải thiện tốc độ thông quan tại các cửa khẩu hiện nay, nhằm tránh tái diễn tình trạng ách tắc hàng hoá xuất nhập khẩu tại biên giới.
Theo Tạp chí Công thương